- Sáng 27/6, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị phân tích các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải cách hành chính (PAR Index); đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2023. Cùng đó bàn giải pháp nâng cao thứ hạng các chỉ số năm 2024.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện đơn vị chuyên môn thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan; đại diện doanh nghiệp (DN).
3/4 chỉ số thuộc top 10 cả nước
Năm 2023, chỉ số PCI của Bắc Giang đạt 69,75 điểm và tiếp tục thuộc nhóm 5 tỉnh, TP có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước (xếp thứ 4/63 tỉnh, TP). Về chỉ số PAR Index, đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh xếp vị trí 4/63 tỉnh, TP với 91,16 điểm (tăng 2,62 điểm so với năm 2022). Chỉ số SIPAS xếp thứ 38/63 tỉnh, TP (tăng 6 bậc so với năm 2022); chỉ số PAPI xếp thứ 10/63 tỉnh, TP. Kết quả này thể hiện bước tiến của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của DN, tổ chức, công dân. Qua đó góp phần tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Trong 10 chỉ số thành phần PCI, Bắc Giang có 3 chỉ số thành phần tăng điểm, 7 chỉ số thành phần giảm điểm. Điểm sáng là hai chỉ số thành phần: “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” vươn lên xếp thứ 10/63 tỉnh, TP; “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” tiếp tục đứng trong nhóm 10 các tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Có 94,49% DN được khảo sát cho rằng thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) được rút ngắn so với quy định; các thủ tục được niêm yết công khai; đội ngũ cán bộ chuyên môn hướng dẫn rõ ràng.
Về chỉ số PAR Index, tỉnh có 6/8 lĩnh vực được đánh giá nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Trong đó lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” có 4 năm liền dẫn đầu cả nước; lĩnh vực “Cải cách thể chế” tăng từ thứ 57 lên thứ 5/63 tỉnh, TP.
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá cao chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Bắc Giang trong năm qua. Đặc biệt, chính quyền tỉnh tiên phong, năng động, thường xuyên đồng hành, hỗ trợ DN; nỗ lực không mệt mỏi thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm chi phí không chính thức, bảo đảm an ninh trật tự. Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực song Bắc Giang cũng đang gặp phải những áp lực của nhóm đứng đầu điểm số PCI trong đổi mới, sáng tạo để tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong khi các tỉnh, TP nhóm sau lại đang phát huy được lợi thế của "người đi sau”.
Để phát huy tốt các kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần tập trung nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân, DN; cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật. Thực hiện Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn hiệu quả theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục. Tiếp tục cải cách TTHC, giảm gánh nặng chi phí cho DN. Tập trung hỗ trợ các vấn đề mà DN đang gặp phải như: Tiếp cận tín dụng, đào tạo lao động có chuyên môn kỹ thuật cao... Cùng với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tỉnh cần quan tâm phát triển kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Quyết liệt thực hiện cải thiện 3 yếu tố chính
Qua phân tích, làm rõ những kết quả cũng như hạn chế trong thực hiện các chỉ số của Bắc Giang, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện điểm các chỉ số thành phần của ngành, lĩnh vực quản lý trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2023, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Bắc Giang có nhiều chuyển biến tích cực được cộng đồng DN và người dân ghi nhận. Nhìn tổng thể các chỉ số cơ bản tốt, ở trong nhóm dẫn đầu song vẫn còn nhiều chỉ số giảm điểm. Điều đó cho thấy dù đã có nỗ lực song vẫn còn những hạn chế nhất định; hay nói cách khác là nỗ lực cải cách, cải thiện của tỉnh đang chững lại ở một số lĩnh vực, thậm chí có phần giảm đi. Người dân vẫn chưa thực sự hài lòng với kết quả thực hiện nên cần phải nghiên cứu những giải pháp để nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu, các sở, ngành, địa phương phải nhận thức rõ việc tham gia đánh giá các chỉ số không phải là thi đua phấn đấu thứ hạng mà qua phân tích mặt được, chưa được của các chỉ số này để tự soi, tự sửa; coi đây là động lực để hoàn thiện bản thân, vượt qua chính mình. Qua đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng chí đề nghị sau hội nghị này, các đại biểu dành thời gian nghiên cứu kỹ các báo cáo; trên cơ sở đó biết rõ điểm mạnh, điểm yếu để tập trung khắc phục. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP phải tổ chức họp phân tích, đánh giá các chỉ số được tham gia chủ trì, phối hợp trong tháng 7. Khi phân tích phải xem xét, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan. Trước ngày 31/7 gửi báo cáo về Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.
Để cải thiện các chỉ số, tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện cải thiện 3 yếu tố chính. Trước hết là yếu tố con người. Tỉnh tập trung cải thiện tính tiên phong, gương mẫu, năng động, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ các cấp gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống lợi ích nhóm. Chú trọng công tác lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ nhất là đội ngũ xử lý hồ sơ TTHC, những người trực tiếp làm việc với cá nhân, DN. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân làm tốt.
Những trường hợp hạn chế trong thực thi công vụ phải có biện pháp giáo dục, giúp đỡ kịp thời; nếu không thay đổi thì kiên quyết thay thế, xử lý kỷ luật. Trong quý III, các sở, ngành, huyện, thị xã, TP phải thay thế, điều chuyển cán bộ ở diện năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm, để DN, nhân dân bức xúc về tinh thần, thái độ phục vụ. Cùng đó báo cáo về Sở Nội vụ trước khi kết thúc quý III để tổng hợp.
Thứ hai là quan tâm cải thiện công nghệ, đẩy nhanh chuyển đổi số. Cụ thể là tăng cường phổ cập công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt, xử lý hồ sơ trực tuyến đến đội ngũ cán bộ của DN và người dân.
Đồng chí đề nghị đề nghị Hiệp hội DN tỉnh phối hợp với các sở, ngành triển khai đến các DN trên địa bàn tỉnh đăng ký danh sách những cán bộ trực tiếp giải quyết các TTHC xong trong tháng 7. Trên cơ sở đó tổ chức tập huấn, hướng dẫn trong tháng 8. Để thực hiện, đồng chí giao Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể; các huyện, thị xã, TP lập nhóm zalo để hỗ trợ các DN.
Thứ ba là cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước, công chức nhà nước với người dân, DN. Tăng cường thực hiện đối thoại với DN; tiếp nhận và xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân, DN. Tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình chính quyền thân thiện.
Đồng chí giao Sở Nội vụ phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy nghiên cứu triển khai mô hình chính quyền thân thiện đối với bộ phận một cửa cấp huyện. Cùng đó đề nghị các ngành, địa phương quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ người dân ở một số lĩnh vực: Cung ứng điện; cung cấp tín dụng; TTHC liên quan đến đất đai, môi trường; bảo hiểm xã hội; thuế; phòng cháy chữa cháy, hải quan...
Tiếp tục hỗ trợ DN trong tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời đề nghị MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Hiệp hội DN tỉnh quan tâm đồng hành; kịp thời phản ánh những dư luận, khó khăn vướng mắc mà DN, người dân phản ánh với cấp ủy, chính quyền.
Theo: báo Bắc Giang.